TRANG TIN BẤT ĐỘNG SẢN HỮU ÍCH

TRANG TIN BẤT ĐỘNG SẢN HỮU ÍCH
THÔNG TIN NHANH CHÓNG, CHÍNH XÁC

Quyền được mua nhà theo nghị định 61

Hỏi: Gia đình tôi có tám người, gồm bố mẹ và sáu người con. Năm 1989 cơ quan bố tôi cấp cho ông căn nhà thuộc sở hữu nhà nước để ở. Năm 1997 bố tôi qua đời, không để lại di chúc. Mẹ tôi và một người con trai vẫn tiếp tục ở trong căn nhà tới nay.

Hiện hộ khẩu nhà tôi gồm mẹ tôi (chủ hộ), một người con trai và hai người con gái (có tên trong hộ khẩu, nhưng thực tế hai người này đã tạm trú dài hạn tại Tp.HCM từ năm 1996 và đã đi nước ngoài sinh sống).

Năm 2010 Nhà nước cho làm thủ tục thanh lý nhà theo nghị định 61/CP. Cơ quan nơi bố tôi làm việc có quyết định gửi công ty kinh doanh nhà của thành phố chỉ định người đứng tên mua nhà là mẹ tôi. Nhưng 4 người con của mẹ tôi (không có tên trong hộ khẩu) có đơn gửi UBND phường và tất cả các cơ quan có thẩm quyền về việc bán nhà, xin được đứng tên cùng mua căn nhà. Theo họ, mẹ tôi và họ cùng là hàng thừa kế thứ nhất.

Do có đơn của những người này nên việc thực hiện mua nhà của mẹ tôi bị ách tắc, UBND phường nơi mẹ tôi cư ngụ  không ký xác nhận bất cứ giấy tờ nào liên quan tới việc mua nhà cho bà. Tuy nhiên khi bà yêu cầu được xem đơn của 4 người con thì UBND phường không đồng ý.

Trong khi đang làm thủ tục mẹ tôi có di chúc cho người con trai (có tên trong hộ khẩu) căn nhà và nhường quyền được mua nhà cho người con này. Ngày 6-1-2012 mẹ tôi qua đời. Hiện nay người con trai được mẹ tôi di chúc đang sống trong căn nhà này và tiếp tục trả tiền thuê đất.

Xin hỏi, việc UBND phường không ký xác nhận tất cả giấy tờ liên quan đến việc mua nhà của mẹ tôi như vậy có đúng pháp luật không? Hiện ai sẽ được đứng tên mua nhà theo đúng quy định? Người được đứng tên mua nhà cần phải có những thủ tục gì? Gửi cơ quan thẩm quyền nào giải quyết?

Mong được giải đáp. Xin cảm ơn.

Hue Nguyen (huenguyen1251@... )

Trả lời
 

Trước tiên, bạn cần lưu ý vấn đề sau, Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; kinh doanh nhà ở và mua bán nhà ở không nhằm mục đích kinh doanh.

Ngoài ra, cũng theo Nghị định 61/CP, bên bán nhà ở phải là chủ sở hữu hợp pháp nhà ở và chủ sử dụng hợp pháp đất ở. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp.HCM cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tiến hành việc ký hợp đồng thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đối với người đang thuê là bố hoặc mẹ bạn, cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào thể hiện căn nhà trên thuộc sở hữu nhà nước. Vì thế, việc cơ quan bố bạn làm văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp.HCM để chỉ định người mua nhà phải là mẹ bạn cũng chỉ mang tính chất làm cơ sở để chứng minh nguồn gốc tạo lập của căn nhà.

Do đó, để có cơ sở và hướng giải quyết tiếp theo, bạn nên liên hệ Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp.HCM để xác thực và làm rõ xem căn nhà hiện tại có phải thuộc sở hữu nhà nước hay không. Trường hợp căn nhà thuộc sở hữu nhà nước thì Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp.HCM mới là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác định ai sẽ là đối tượng đủ điều kiện để được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Liên quan đến việc từ chối ký các loại văn bản giấy tờ của UBND phường nơi có căn nhà tọa lạc khi gia đình bạn tiến hành thủ tục mua nhà (nếu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước) hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (nếu nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước): nếu có cơ sở cho rằng căn nhà nêu trên đang trong tình trạng tranh chấp thì UBND phường có quyền từ chối ký vào các văn bản liên quan khi gia đình bạn tiến hành thủ tục.

Tuy nhiên, trong trường hợp UBND phường lấy lý do có đơn của 4 người con kia của mẹ bạn thì mẹ bạn có quyền yêu cầu UBND phường xác thực các đơn này. Nếu UBND phường từ chối thì mẹ bạn có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND phường theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về khiếu nại để được giải quyết.

Ngoài việc liên hệ Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp.HCM để được xác thực thông tin như đã nêu trên, bạn cũng có thể liên hệ UBND cấp huyện nơi có căn nhà tọa lạc để hỏi rõ hơn về tình trạng pháp lý hiện hữu của căn nhà, từ đó mới có thể xác định các bước tiếp theo trong quá trình xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với căn nhà trên.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

(Theo TTO)

0 Response to "Quyền được mua nhà theo nghị định 61"

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...