Thất nghiệp, nợ lương, cắt thưởng cộng với giá cả điều
chỉnh liên tục trở thành đòn kép đánh lên vai người dân nên sức mua sẽ
giảm đáng kể và chuyện đẩy giá vào những ngày giáp Tết không còn nóng
như mọi năm.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên
cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp-Leadman nhận định về mức
tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và diễn biến giá cả trong tháng
Tết.
- Ông đánh giá như thế nào khi CPI tháng 1 tăng 1,25% so với tháng 12, tương đương khoảng một phần tư mục tiêu lạm phát cả năm (khoảng 6-6,5%)?
- Nếu mục tiêu lạm phát năm nay 6-6,5% mà mới tháng 1
đã chiếm 1,25%, thoạt nhiên cũng làm người ta lo lắng. Tuy nhiên, cũng
không hẳn là điều đáng quan ngại. Nhìn vào cơ cấu hàng hóa ta thấy
nguyên nhân chủ yếu nằm ở thuốc chữa bệnh và giá viện phí (tăng 7,4%),
nhóm thực phẩm (tăng gần 2%) và nhóm may mặc, giày dép (tăng 1,3%).
Nhóm hàng thực phẩm tăng, chủ yếu vì tiêu dùng cuối năm và cũng có nguyên nhân từ thời tiết ảnh hưởng đến nguồn cung ở một số mặt hàng rau củ quả, tình hình chăn nuôi có một ít khó khăn. Nhưng nhìn chung đà tăng này không có gì bất thường.
Nhóm hàng thực phẩm tăng, chủ yếu vì tiêu dùng cuối năm và cũng có nguyên nhân từ thời tiết ảnh hưởng đến nguồn cung ở một số mặt hàng rau củ quả, tình hình chăn nuôi có một ít khó khăn. Nhưng nhìn chung đà tăng này không có gì bất thường.
- Ông dự báo diễn biến chỉ số giá tháng 2 sẽ thế
nào, khi người dân tăng mua sắm Tết, đặc biệt ở mặt hàng thiết yếu lương
thực, thực phẩm?
- Chu kỳ tính CPI tháng 2 rơi vào giai đoạn 16/1 -
15/2, nằm trọn trong đợt Tết Nguyên đán khiến mọi người lo lắng hơn. Tất
nhiên, năm nào cũng vậy, và nước nào cũng vậy, mua sắm Tết là một trong
những thước đo cho các dự báo về tăng trưởng và lạm phát.
Y tế, vốn là nhân tố chính gây tăng CPI trong tháng 1,
sẽ không xuất hiện nữa trong tháng 2. Tháng Tết tập trung cao điểm vào
tuần này và tuần sau nhưng hiện tại cũng khá thưa vắng, không khí không
sôi động như các năm trước. Tiêu thụ giảm, cũng có thể nói niềm tin người tiêu dùng giảm, trong khi mặt hàng thực phẩm công nghiệp chế biến dồi dào, giá cạnh tranh.
Những điều đó cho chúng ta hy vọng CPI tháng 2 sẽ không có biến động mạnh.
Giá cả Tết khó biến động mạnh. Ảnh: B.H |
- Năm nay, việc kinh doanh khó khăn khiến nhiều
công ty giải thể, tồn kho lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao. Vậy giá cả ngoài
thị trường tăng lên sẽ có tác động như thế nào đến sức mua trong dịp Tết
này?
- Thất nghiệp, nợ lương, cắt thưởng cộng với giá cả
tăng đã trở thành đòn kép đánh lên vai người dân. Chắc chắn sức mua giảm
đáng kể trong dịp Tết Quý Tỵ này. Sự "hối hả đáng yêu" thường thấy của
người dân Sài Gòn vào những ngày cận Tết đã mất đi nhiều. Nhóm giao
thông chỉ tăng 0,03% trong tháng 1 là một minh chứng điển hình.
- Dự báo cả năm, trong rổ hàng tính CPI, theo ông, nhóm hàng nào có khả năng biến động giá mạnh trong năm nay?
- Lương thực tháng 1 chỉ tăng 0,15% nhưng dự báo giá
lương thực sẽ tăng trong suốt năm 2013, do ảnh hưởng giá thế giới. Điều
này ảnh hưởng đến người dân nghèo, thành thị và miền núi. Các nhóm hàng
còn lại kỳ vọng không có nhiều đột biến do suy yếu kinh tế còn có thể
kéo dài.
- Nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu CPI năm nay khoảng 6-6,5% rất thách thức. Còn ông quan điểm thế nào?
- Nhiều yếu tố khách quan, bất ngờ khó có thể lường
hết được trong một thế giới còn ẩn chứa nhiều biến động. Lạm phát năm
nay dự kiến 6 - 6,5% có thể là khá lạc quan. Mặt khác, không chỉ là tiêu
dùng, CPI còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố về tài chính, tiền tệ,
tình hình xuất nhập khẩu, tỷ giá hối đoái. Lạm phát năm 2013 do vậy sẽ
còn lệ thuộc vào các chính sách vĩ mô này.
- Đâu là yếu tố sẽ tác động mạnh, có tác dụng kiềm chế lạm phát không quay lại mức 2 con số trong năm nay?
- Tình hình kinh tế thế giới là khách quan, trực tiếp
tác động và đồng biến giữa các nước, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa và
hội nhập. Tuy nhiên, liên tục nhiều năm trước đây, trong khi Việt Nam
lạm phát 2 con số, ở nhiều nền kinh tế trong khu vực có trình độ và hoàn
cảnh tương tự vẫn duy trì được tốc độ lạm phát thấp hơn nhiều. Chỉ có
thể giải thích là do quản lý, điều hành.
- Quan điểm của ông như thế nào khi ANZ dự báo lạm phát năm nay của Việt Nam 8-10%?
- Chủ quan, tôi nghĩ có thể đồng tình với dự báo này.
Để có thể giữ tốc độ lạm phát dưới 2 con số, một lần nữa lệ thuộc vào
năng lực điều hành của Chính phủ.
(Theo Vnexpress.net)
0 Response to "'Giá hàng hóa Tết khó biến động mạnh'"
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.