TRANG TIN BẤT ĐỘNG SẢN HỮU ÍCH

TRANG TIN BẤT ĐỘNG SẢN HỮU ÍCH
THÔNG TIN NHANH CHÓNG, CHÍNH XÁC

Metro đã có hình hài

Với việc chuẩn bị mặt bằng để thi công đoạn metro ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son trong tháng 8.2014, hình hài tuyến metro số 1 của TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đã được khắc họa khá rõ nét.

Mô hình đoàn tàu của tuyến metro số 1 - Ảnh: Mai Vọng

Dự án tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao; với 14 ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao). Bắt đầu từ ga số 1 trước chợ Bến Thành, tuyến metro sẽ đi ngầm với chiều sâu từ 15 - 30 m phía dưới đường Lê Lợi, sau đó đi sát Nhà hát TP (phía khách sạn Caravelle), qua trụ sở Công ty điện lực Sài Gòn và men theo đường Nguyễn Siêu đến khu vực Nhà máy Ba Son. Từ sau ga số 3 (ga Ba Son), tuyến metro chuyển dần từ đi ngầm sang đi trên cao. Đoạn trên cao sẽ đi vượt qua đường Nguyễn Hữu Cảnh, theo rạch Văn Thánh (bờ bắc), đi sát công viên Văn Thánh, vượt đường Điện Biên Phủ, vượt sông Sài Gòn tại khu vực nhà hàng Tân Cảng, sau đó đi dọc theo hành lang phía bắc của xa lộ Hà Nội. Đến Km 18+200, tuyến sẽ vượt qua xa lộ Hà Nội rồi đi dọc theo phía nam của tuyến đường này để vào ga số 14 (ga Suối Tiên), sau đó rẽ phải vào depot Long Bình, Q.9. Tuyến metro số 1 đi qua các quận: Q.1, Bình Thạnh, Q.2, Thủ Đức, Q.9 của TP.HCM và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương.


Nhà thầu Liên danh Sumitomo - Cienco 6 thi công gói thầu số 2, đoạn chạy dọc theo xa lộ Hà Nội - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo thiết kế, tốc độ tàu chạy tối đa là 80 km/giờ trong đường hầm và 110 km/giờ trên cầu. Các tiện ích đều được chú trọng, như các ga đều có thang máy (dành cho người khuyết tật, người cao tuổi và hành khách có con nhỏ), thang cuốn lên và xuống nhằm tạo thuận tiện cho hành khách. Tại các nhà ga trên cao có xây dựng bãi gửi xe và cầu vượt đi bộ qua xa lộ Hà Nội cho hành khách. Trong các nhà ga ngầm sẽ có trung tâm kiểm soát thảm họa, phục vụ việc phòng cháy chữa cháy và chống ngập nước... 

Robot đào ngầm xuyên thành phố

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP.HCM, dự án có 4 gói thầu chính, gồm 3 gói thầu xây dựng (số 1a, 1b và số 2) và 1 gói thầu cơ điện (số 3). Triển khai sớm nhất là gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot, từ Ba Son vượt sông Sài Gòn, chạy dọc theo xa lộ Hà Nội đến depot Long Bình, Q.9) đã được khởi công vào tháng 8.2012 và thi công đại trà từ tháng 4.2013, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tiếp đến là gói thầu 1b đã bắt đầu triển khai thi công. Chậm hơn là gói thầu 1a (đoạn đi ngầm từ nhà ga Bến Thành đến nhà ga Nhà hát TP, bao gồm xây dựng nhà ga ngầm trung tâm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3a và số 4) dự kiến đến cuối năm 2014 mới bắt đầu sơ tuyển nhà thầu. Trong khi đó, gói thầu số 3 (mua sắm lắp đặt hệ thống cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đã chọn được nhà thầu Hitachi (Nhật Bản), từ năm 2015 sẽ sản xuất, chế tạo và tiến hành lắp đặt hệ thống cơ điện và đường ray từ năm 2016.

Việc thi công công trình ngầm là phức tạp và nhiều rủi ro, đặc biệt là thi công qua khu vực có địa chất yếu và phức tạp như trung tâm TP.HCM. Trong những năm qua, khu vực này từng xảy ra hiện tượng lún sụt chung cư trên đường Nguyễn Siêu hay tòa nhà Pacific đường Pasteur trong quá trình thi công do địa chất yếu. Do đó, lãnh đạo TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo phải ưu tiên chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn trong thi công, không vì chạy theo tiến độ mà thiếu quan tâm đến an toàn, tuyệt đối không để xảy ra sự cố nghiêm trọng nào.

Từ ngày 22.7 vừa qua, khu vực nhà ga Nhà hát TP (đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, Q.1) đã được rào chắn, chuẩn bị mặt bằng, để nhà thầu bắt đầu thi công gói thầu số 1b (đoạn metro ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) từ tháng 8 này. Ông Hoàng Như Cương, Phó BQLĐSĐT TP.HCM, cho biết 2 nhà ga ngầm gồm nhà ga Nhà hát TP và nhà ga Ba Son đều được thi công theo phương pháp đào hở. Còn đoạn đường hầm dọc bên hông Nhà hát TP theo đường Nguyễn Siêu sẽ được thi công theo phương pháp đào kín (khoan bằng khiên đào) từ ga Ba Son về ga Nhà hát TP với thời gian thi công là 56 tháng. Máy đào hầm (TBM) là một máy khoan nằm ngang, bao gồm một ống thép dài khoảng 10 m có đường kính đúng bằng kích thước đường kính hầm (6,65 m), đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân vận hành. Đầu ống là khiên đào có gắn các mũi cắt, có động cơ làm quay tròn để cắt đất. Sau khi đào từng đoạn ngắn, vỏ hầm (là các tấm bê tông cốt thép lắp ghép) được thi công ngay. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm được lắp ghép đến đó để tránh sụp lở lớp đất, đá phía trên.

Nhà ga Nhà hát TP có thiết kế gồm 4 tầng (2 tầng chờ khách và 2 tầng ke ga) với chiều sâu 40 m sẽ được thi công theo phương pháp topdown (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công các sàn từ trên xuống) để giảm thiểu rủi ro lún sụt. “Trong quá trình thi công, BQLĐSĐT TP sẽ yêu cầu nhà thầu lắp đặt hệ thống quan trắc để theo dõi các chuyển vị của các tòa nhà trong khu vực. Khi các tòa nhà xảy ra chuyển vị với trị số vượt quy định cho phép thì lập tức dừng thi công để đưa ra biện pháp khắc phục”, ông Cương nói.

Bản đồ các ga trên tuyến metro số 1 - Ảnh: Mai Vọng


Chuẩn bị các tuyến metro tiếp theo

Theo quy hoạch, hệ thống metro TP.HCM gồm có 7 tuyến. Ngoài ra còn có 3 tuyến xe điện chạy trên mặt đất, gồm: Tuyến số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây); Tuyến số 2 (Ngã tư quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Q.2); Tuyến số 3 (Ngã sáu Gò Vấp - Công viên phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp).

Tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) đang được đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh thiết kế các nhà ga ngầm nhằm giảm diện tích giải phóng mặt bằng. Dự án gồm 7 gói thầu chính đang được tổ chức lựa chọn nhà thầu. Giai đoạn 2 (Tham Lương - Bến xe Tây Ninh - Khu Tây Bắc Củ Chi) đang được BQLĐSĐT TP lập báo cáo đầu tư.

Tuyến metro số 3a (giai đoạn 1 từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây; giai đoạn 2 kéo dài đến ga Tân Kiên, H.Bình Chánh) đã được UBND TP đề xuất Bộ KH-ĐT đăng ký sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2014 - 2016 cho dự án.

Tuyến 3b: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước.

Tuyến metro số 4 được chia làm 2 tuyến là 4a (từ Thạnh Xuân, Q.12 - Hiệp Phước, H.Nhà Bè) và 4b (ga công viên Gia Định - sân bay Tân Sơn Nhất - ga Lăng Cha Cả) đang được nghiên cứu.

Tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục để đăng ký các khoản hỗ trợ kỹ thuật và khoản vay từ nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án của các nhà tài trợ. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2015 - 2022. Giai đoạn 2 (từ Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc, H.Bình Chánh) dự kiến thực hiện từ năm 2016 - 2024. Hiện Anh và Hàn Quốc bày tỏ quan tâm đầu tư giai đoạn 2.

Tuyến metro số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) đang được BQLĐSĐT TP hoàn chỉnh thiết kế cơ sở trình Sở GTVT TP xem xét. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tháng 4.2014.

Mai Vọng
Theo Thanh Niên

0 Response to "Metro đã có hình hài"

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...